Han van Meegeren là hoạ sĩ Hà Lan, người đã từng gián tiếp chứng minh rằng những người được gọi là các chuyên gia và nhà phê bình mỹ thuật đương thời thực chất toàn tán tụng vớ vẩn.
Còn giới phê bình nghệ thuật đương thời đã thực sự bị bẽ mặt sau khi vụ án này được chứng minh để họ phải tẽn tò vì đã lỡ tung hê tranh của giả của van Meegeren lên bậc “bức tranh đẹp nhất của Vermeer từ trước đến giờ”. Hoá ra toàn cảm tính.
Thế hoá ra là tranh giả à? Bọn em xin nhỗi =)))
Họ từng chê ông kém tài. Giờ thì xem mèo nào cắn mỉu nào!

(Ảnh Van Meegeren đang hầu tòa)

Bắt Đầu Của Câu Chuyện.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1937. Khi Abraham Bredius được coi là một nhà sử học nghệ thuật quyền lực nhất trong giới nghệ thuật đương thời. Người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về nghệ thuật của Vermeer.
Nhà sử học 83 tuổi đã bật lời tán tụng cho bức tranh Christ and the Disciples at Emmaus trên tờ Tạp chí Burlington, tạp chí được coi như thánh kinh của thế giới nghệ thuật đương thời bằng những lời có cánh.
Chả ai dám ngờ gì Bredius, vì lời của Abraham Bredius được coi như thánh kinh trong giới nghệ thuật khi ấy mà không ai dám cãi. Đến nỗi ông còn có biệt danh là “Giáo Hoàng” của tôn giáo nghệ thuật.

(Bức tranh Christ and the Disciples at Emmaus giả Vermeer của Van Meegeren)

Cháy Nhà…
Chuyện sẽ êm thấm nếu không phải một ngày tháng 5 năm 1945. Có trát bắt Van Meegeren hầu tòa với tội cộng tác với kẻ thù vì đã bán bảo vật quốc gia (chính là bức “Chúa Jessu và người đàn bà ngoại tình” là một trong số các bức tranh giả phong cách Vermeer của van Meegeren) cho thống chế Quốc Xã Hermann Goering trong thế chiến. (bức tranh được bán với giá 1.65 triệu guilders tương đương 7 triệu USD ngày nay).
Nếu phải ngồi tù vài năm chắc ông cũng chày cối để chịu được nhưng tội này là tội tày đình. Bị đóng dấu phản quốc thì trăm phần trăm được uống thuốc chống thở.
Van Meegeren phải thỏ thẻ trước tòa là “em lừa bán tranh giả cho hắn. Các anh không thưởng em thì thôi”. Hơi nhục tí vẫn còn hơn bị beng đầu.

(Bức tranh “Chúa Jessu và người đàn bà ngoại tình”)

…Ra Mặt Chuột

Thật vậy, Van Meegeren còn đổi bức Vermeer giả để lấy gần 200 (có chỗ nói cụ thể là 137) bức tranh gốc của Hà Lan bị Goering cướp trắng khi bắt đầu cuộc chiến và vì thế ông đáng ra nên là anh hùng dân tộc.
Để lời khai trở nên thành thực hơn ông còn khai tuốt ông đã vẽ năm bức “Vermeer” khác cũng như hai bức “Pieter de Hooch”, tất cả đều đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật từ năm 1937.
Kiểu “dạ thưa, ngoài em và thằng Tèo trong đống rơm ra thì chỉ còn ba thằng ngoài bụi chuối thôi ạ”.

Cơ Hội Chứng Minh
Để chứng minh, tòa cho Van Meegeren thời gian 5 tháng để thực hiện bức tranh này bằng các kỹ thuật và vật liệu mà ông có để ông vẽ bức tranh “Jesus và các nhà thông thái” dựa trên cơ sở bức mà ông bán cho Goering trước sự giám sát của cảnh sát
Tháng 10 năm 1947, ông được xóa tội danh phản quốc nhưng lại bị tội làm tranh giả và lừa đảo và chỉ bị tuyên án 1 năm tù. Nhưng hơi nhọ cho ông. Một tháng rưỡi sau, 30 tháng 12 năm 1947, Van Meegeren chết vì một cơn đau tim.

(Van Meegeren được tòa cho phép vẽ 5 tháng để chứng minh kỹ thuật của mình)

Kỹ Thuật Của Van Meegeren Là Gì?
Van Meegeren mất 4 năm để tìm ra kỹ thuật làm một bức tranh mới mà trông như thể 300 tuổi.
Vấn đề lớn nhất ở đây là làm sao cho sơn khô cứng hoàn toàn mà vốn dĩ quá trình này có thể mất đến 50 năm (sơn dầu chúng ta vẽ tưởng rằng đã khô thực chất chỉ khô bề mặt, sơn dầu tiếp tục hấp thụ oxi để trở nên cứng lại mà càng các lớp bên dưới, phân tử oxi “chui” vào càng ít khiến quá trình khô cứng có thể mất hàng vài chục năm).
Ông giải quyết bằng cách trộn bột màu của mình với một loại nhựa tổng hợp, Bakelite thay vì là dầu sau đó hong nóng tấm vải vẽ.
Các vết nứt thì được ông thực hiện cực kỳ tinh vi bằng mực nho.

Khoa Học Đã Tham Gia!
Paul Coremans là một nhà hóa học sinh ra tại Bỉ, ông bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học năm 24 tuổi.
Ông là người tiên phong đưa các phương pháp khoa học hiện đại vào nghiên cứu kỹ thuật sơn dầu.
Phiên tòa xử Van Meegeren đã mời các chuyên gia Hà Lan, Bỉ và Anh để thẩm định các bức tranh của Van Meegeren. Coremans là trưởng đoàn chuyên gia đó.
Các phân tích hóa học của Coremans và các cộng sự cho thấy trong medium của Van Meegeren có chứa nhựa phenol formaldehyde trùng khớp với chất được tìm thấy trong xưởng của Van Meegeren. Các vết nứt trên tranh cũng được chứng minh làm rất tinh vi bằng mực nho.
“anh hùng” lừa Quốc Xã của chúng ta đã được giải oan.
Coremans và các phương pháp nghiên cứu của ông đã trở nên nổi tiếng thế giới sau khi ông thẩm định được Han van Meegeren đã làm giả tranh của Johannes Vermeer và đã thay đổi hoàn toàn các quy trình thẩm định nghệ thuật về sau này.

(Nhà hóa học Paul Coremans và các bằng chứng trong phiên tòa)

Kết Bài
Như vậy, để thẩm định nghệ thuật thì ngoài dựa trên phong cách, kỹ thuật, chất lượng nghệ thuật thì còn cần cả các chứng minh khoa học chất liệu nữa.

Có một series khá hay về chủ đề này của đài BBC mà mọi người nên tham khảo là “Fake or Fortune” với hành trình tìm hiểu và phân tích một tác phẩm nghệ thuật cổ là hàng thật hay đồ giả mạo.

Chúc mọi người sẽ có được một tác phẩm không bị giả mạo nhưng không phải của Vermeer =)))

 

(Bài viết của tác giả Đinh Ngọc Sơn đăng tại 1618 Art Hub)